_Mọi câu hỏi liên quan đến phương pháp ôn tập môn Ngữ văn, kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được giải đáp bởi các thầy cô có nhiều năm kinh nghiệm dạy và luyện thi đaị học.
Clip Tư vấn trực tiếp: Phương pháp ôn thi Ngữ văn hiệu quả kỳ thi THPT 2015
Phần kiến thức chung
MC: Thưa hai vị khách mời, để khẳng định tầm quan trọng của môn Văn, chúng ta vẫn thường mượn lời của nhà văn Nhà văn M.Goóc-ki để nói với nhau như thế này ạ: Văn học là nhân học. Ngữ Văn có thể nói là môn học thú vị nhưng cũng không kém phần gai góc với nhiều học sinh. Có một điều mà chúng ta thấy là những năm gần đây, xu hướng ra đề thi Văn có những sự thay đổi nhất định. Là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn ngữ văn thầy cô có thể phân tích rõ hơn những sự thay đổi này không ạ?
Cô Hằng: Xin gửi lời chào đến các bạn học sinh. Tôi có thể vẽ cho các em bức tranh toàn cảnh những lần thay đổi đề thi. Có 3 lần thay đổi đề thi: từ năm 2000 – 2005, từ 2006 – 2008 và từ 2009 – 2014. Những lần thay đổi này gắn liền với sự thay đổi trong sách giáo khoa. Với 3 lần thay đổi, thì chúng ta có thể thấy là đề thường có 3 câu, thời gian thi trong 180 phút. Chúng ta quan tâm nhất đến cấu trúc đề thi từ 2009 đến nay. Đề thi vẫn là cấu trúc 2 phần: phần chung (5đ) và phần riêng (5đ). Điểm lưu ý trong đề thi những năm gần đây là đề thi có phần câu hỏi mở (nghị luận xã hội), để thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội, tư tưởng đạo lý. Sự thay đổi này khiến học sinh rất hứng thú.
Thầy Cường: Tôi lưu ý thêm cho các em một chút, đó là đối với phần 5 điểm trong dạng đề thi mở từ 2012 đến nay thiên về bình luận, gần như là đề thi năm nào cũng có đề bình luận. Đây là đặc trưng mà các em cần lưu ý. Yêu cầu các em phải thực hiện được kỹ năng so sánh, bình luận, cần thể hiện cá tính, bản lĩnh, sáng tạo trong giải quyết đề Văn.
MC: Năm 2015 này, chúng ta lại tiếp tục có một sự thay đổi nữa. Chúng ta chỉ tiến hành 1 kỳ thi chung, nhưng sẽ thực hiện 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ. Như vậy, đương nhiên sẽ có sự kết hợp giữa đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi ĐH để phân loại thí sinh. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Bộ chưa có công bố chính thức về định dạng đề thi môn Ngữ Văn năm 2015. Việc nắm được cấu trúc, định dạng đề thi sẽ giúp cho các em có được định hướng và kế hoạch ôn tập rõ ràng.
Tuy nhiên, khi trả lời các cơ quan báo chí, đại diện Bộ GDĐT cho biết đề thi năm nay sẽ đảm bảo việc phân hóa trình độ thí sinh, sẽ gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản, vừa nâng cao. Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Từ những dữ liệu trên, theo thầy cô kết cấu đề thi Ngữ Văn năm 2015 này sẽ có hướng như thế nào?
Thầy Cường: Về cấu trúc môn văn trong năm 2015 tới đây, về cơ bản sẽ làm theo thang điểm 20. Môn Văn sẽ thi 180 phút. Về cấu trúc đề thì chủ trương của Bộ sẽ nâng phần đọc hiểu lên một chút. Cấu trúc đề thi có thể có 3 câu: phần đọc hiểu, phần nghị luận xã hội, phần về nghị luận văn học. Câu nghị luận văn học sẽ hướng đến vận dụng và vận dụng cao, đồng thời kiểm tra kiến thức và kỹ năng của các em. Xu hướng vẫn sử dụng bài bình luận, so sánh. Theo tôi, đề thi năm nay sẽ không có phần lựa chọn như mọi năm. Phần đọc hiểu, Bộ nhận mạnh sẽ dùng một số dữ liệu trong và ngoài chương trình. Theo tôi nó sẽ tích hợp về hiện tượng đời sống và tư tưởng đạo lý.
Cô Hằng: Với vấn đề định dạng cấu trúc đề không chỉ học sinh mà các thầy cô cũng rất lo lắng về đề thi. Với xu hướng ra đề 180 điểm thì sẽ có 3 câu rõ ràng. Mức độ câu hỏi sẽ có sự phân loại rõ ràng. Đối với những học sinh có năng lực khá giỏi cần phải làm phần nâng cao tốt hơn, vận dụng nâng cao phải so sánh, bình luận và thể hiện quan điểm cá nhân.
MC: Trong kết cấu đề thi đã phân tích ở trên, chúng ta thấy có phần đọc hiểu văn bản. Có thể nói đây là xu hướng mới: xu hướng từ việc kiểm tra đánh giá sự ghi nhớ những kiến thức (giáo viên đọc hộ, cảm hộ, hiểu hộ) sang kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh (tự mình cảm thụ, tìm hiểu và khám phá văn bản). Vậy phần Đọc, hiểu Văn Bản có phải là câu hỏi dễ với các em học sinh khối tự nhiên hay không? Ngữ liệu văn bản này thì được lấy từ đâu ạ?
Thầy Cường: Theo tôi, phần đọc hiểu văn bản, ngữ liệu mà Bộ nhắc sẽ được ưu tiên trong tác phẩm văn học, có thể Bộ sẽ lấy ở một lĩnh vực khác, nhưng chủ yếu sẽ là các tác phẩm văn học, thơ. Bộ lưu ý ngữ liệu có thể lấy ở ngoài bài học chính SGK, nhưng không phải là ngoài SGK. Các em cố gắng giải quyết chọn vẹn phần này để đạt điểm tối đa kể cả bạn không theo chuyên Văn.
Cô Hằng: Tôi xin bổ sung để giúp các bạn học sinh ôn tập tốt hơn phần này. Tôi thấy nhiều bạn đang hiểu sai và chủ quan với phần này. Các em cần chú ý là phải học kể cả bài học thêm, chứ không chỉ học chính. Các em trả lời đúng nhưng chưa trúng cũng không thể đạt điểm cao.
Với tôi đây là dạng bài vừa dễ, lại vừa khó. Với các bạn ban A, không thích viết dài sẽ rất thích vì chỉ cần viết ngắn, trúng là ăn điểm. Tuy nhiên, câu đọc hiểu này đòi hỏi vốn hiểu biết, khả năng cảm thụ văn chương nhất định mà không phải bạn nào cũng đảm bảo được. Để được điểm cao cần dẫn dắt vấn đề, viết thêm đoạn cảm nhận ngắn, nhưng không nên viết quá dài, tràn lan, không trúng ý.
Thầy Cường: Tôi xin bổ sung, chúng ta cần trả lời trực tiếp câu hỏi, câu hỏi đánh số thế nào các em phải làm đúng như thế. Đặc biệt các em phải nắm lại kiến thức tiếng Việt, kiến thức về lý luận văn học, ví dụ: 6 ngôn ngữ biểu đạt, biện pháp tu từ, các phép liên kết, thành phần câu, ẩn dụ, hoán dụ,… Tôi nghĩ là đề thi sẽ cài phần kiểm tra kiến thức này trong đọc, hiểu. Nên các em phải hết sức lưu ý.
MC: Trong kết cấu đề thi như các thầy cô đã nói ở trên chúng ta cũng thấy xuất hiện kiểu bài Nghị luận xã hội. Đây cũng là câu hỏi mà các bạn học khối tự nhiên nên tập trung để dành điểm. Bởi nó không đòi hỏi chúng ta phụ thuộc nhiều vào tác phẩm văn học. Tuy nhiên kiểu bài này đòi hỏi kỹ năng lập luận, đòi hỏi vốn sống, ý thức quan tâm đến xã hội, bản lĩnh tư duy độc lập và thế giới tâm hồn phong phú, nhạy cảm, chân thành của các em học sinh. Vậy thầy cô có thể khái quát cho các bạn học sinh một số dạng đề của kiểu bài Nghị luận xã hội được không?
Cô Hằng: Có 2 kiểu bài nghị luận xã hội: Tư tưởng đạo lý, Hiện tượng trong đời sống xã hội,. Các học sinh rất thích hiện tượng trong đời sống xã hội. Đây kiểu bài dành cho học sinh ban A lấy điểm rất tốt. Các em không cần viết dài, viết ngắn, khúc triết, bày tỏ được quan điểm cá nhân.
Các con nên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông, các con nên chép lại, tích cực trau dồi kiến thức về đời sống xã hội. Rèn tư duy logic, cần phân tích thực trạng, lý giải nguyên nhân, đưa biện pháp, trách nhiệm bản thân, cộng đồng.
Về hình thức thể hiện, mặc dù các em thích sáng tạo nhưng nên lưu ý không nên viết dưới dạng bức thư và ký tên vào đó. Cái này dễ bị đánh giá là có gian lận.
Thầy Cường: Rất có thể đề thi sẽ tích hợp cả hai vừa có tư tưởng đạo lý vừa là hiện tượng đời sống. Những ví dụ ở các đề thi các năm gần đây các em có thể thấy được sự kết hợp này. Theo tôi, khi làm đề này, các em cần đáp ứng được yêu cầu của đề là bày tỏ quan điểm, thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của mình vào chứ không phải đưa thật nhiều dẫn chứng. Mỗi ý cần 1 dẫn chứng là đủ, và dẫn chứng cần chọn lọc. Và nên lấy ví dụ từ hiện thực, thực tế đang diễn ra. Bộ thường giới hạn phần này trong khoảng 600 từ, đừng quá dài. Các em đừng nghĩ Nghị luận xã hội là chém gió.
MC: Vừa rồi, hai thầy cô đã giúp chúng ta tiếp cận chuyên đề Đọc hiểu Văn bản và Nghị luận xã hội. Có một phần khá quan trọng, chiếm một số điểm khá cao trong kết cấu đề thi như đã phần tích ở phần đầu, đó là bài nghị luận văn học. Đây có lẽ cũng là thử thách với các bạn học sinh khối C và D. Trước khi tìm hiểu các kiểu bài nghị luận văn học, xin được hỏi cô ạ, thưa cô, kiểu bài nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học như thế nào ạ?
Cô Hằng: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội nó khác nhau ngay ở đối tượng văn học và xã hội. Nghị luận văn học dung lượng dài hơn, sâu sắc hơn, còn nghị luận xã hội thì có thể ngắn hơn. Nhưng lưu ý không phải viết dài là được nhiều điểm. Những kỹ năng cũng phải khác nhau. Nghị luận xã hội kỹ năng quan trọng nhất là bình luận vấn đề. Còn Nghị luận văn học lại là phân tích cụ thể, chi tiết.
Thầy Cường: Tôi bổ sung thêm chút nữa đó là phần nghị luận văn học thường không đưa ra những bài học rút ra và hành động thế nào. Còn nghị luận xã hội lại yêu cầu cao phần liên hệ này.
Cô Hằng: Nhiều bạn lại nghĩ phần này phải hô khẩu hiệu, nói một cách sáo rỗng, nhưng không phải. Các em phải đưa câu chuyện xã hội vào câu chữ văn chương. Làm thế nào để mang đến cho người đọc thấy mình hiểu và nói một cách tự nhiên, chứ không bị gượng ép.
MC: Vậy các học sinh nên ôn tập thế nào cho phần Nghị luận xã hội này, thưa cô?
Cô Hằng: Các em cần lập hệ thống kiến thức, vẽ sơ đồ tư duy để sắp xếp kiến thức thật tốt và dễ tiếp nhận nhất. Các em đừng nghĩ học văn, làm văn là phải thật bay bổng, nhưng không phải. Biết cách khái quát nội dung, giá trị tư tưởng của tác phẩm, cái này cần lưu ý ngay ở tên tác phẩm, những câu văn quan trọng gửi gắm tư tưởng chủ đề của tác phẩm, hay chú ý chi tiết quan trọng.
Thầy Cường: Theo tôi, cách thi của Bộ rất chú ý đến đặc trưng thể loại. Đối với kịch các em quan tâm đến tình huống, văn xuôi thì chú ý đến chi tiết, thơ thì quan trọng nhất là lời thơ, giọng điệu, ngôn ngữ. Các em phải lưu ý thao tác tư duy. Các em cũng cần chú trọng những dạng bài so sánh, bình luận, dạng tổng hợp, kiểu bài hướng đến đánh giá, bộc lộ quan điểm cá nhân.
Tôi cũng xin lưu ý, các em cũng cần ôn lại phần kiến thức lớp 11. Các em nên học từ bài Hai đứa trẻ đến Người lái đò sông Đà.
TS Phạm Hữu Cường, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giải đáp câu hỏi của học sinh
Bạn Nguyễn Ngọc Bảo Trinh, Nguyễn Thùy Linh: Xin chào quý thầy cô, xin quý thầy cô cho em hỏi là phần đọc hiểu năm nay chúng em nên ôn tập theo hướng nào? Cô cho em hỏi là khi làm câu 2 điểm môn Văn thì em nên gạch đầu dòng hay viết thành một bài văn nhỏ ạ?
Cô Hằng: Với bài đọc hiểu các em có thể gạch đầu dòng, nhưng không được lạm dụng và gạch lung tung với các câu vận dụng cao nên viết thành đoạn văn ngắn, 10 – 15 dòng.
Bạn Nguyễn Ý Nhi hỏi: Trong câu hỏi nghị luận, nếu em nêu quan điểm trái ngược hoàn toàn với đáp án nhưng bảo vệ được ý kiến của mình bằng những lý lẽ hợp lý thì bài làm của em có được điểm tuyệt đối không ạ?
Thầy Cường: Phần nghị luận xã hội, em có thể trình bày ý kiến trái ngược với đáp án vẫn được, nhưng em phải làm chắc chắn, bảo vệ được quan điểm của mình một cách thuyết phục nhất. Tuy nhiên, em sẽ không được điểm tối đa, nhưng sẽ được đánh giá cao. Miễn quan điểm đấy không vi phạm thuần phong mỹ tục, pháp luật nhà nước…
Bạn Thủy Tiên hỏi: Em hay bị lúng túng phần mở bài, làm thế nào để viết tốt phần này, thu hút người chấm thi?
Thầy Cường: Nếu em muốn mở bài thật lôi cuốn hãy mở bài theo hình thức trích dẫn, so sánh. Có thể trích thơ, trích câu văn để mượn lời nêu mở bài của mình. Phần kết bài cũng như vậy. Mở bài chỉ cần đảm nhận 2 chức năng là dẫn dắt và nêu yêu cầu của đề. Không nêu được yêu cầu của đề coi như hỏng. Mở bài nên dưới 10 dòng và nên dành 2, 3 phút thôi, quá lắm 5 phút.
Cô Hằng: Nhiều học sinh mở bài tận 1 trang giấy, mải miết viết những nội dung lan man. Nhiều bạn viết mở bài rất chỉn chu, nhưng kết bài thì lại rất vội vã. Các bạn có thể viết mở và kết trước ra giấy nháp để đến cuối giờ không bị vội.
Bạn Minh Vy hỏi:
Thưa cô, theo cô thì các thí sinh nên phân bố thời gian như thế nào để hoàn thành tốt cả 3 câu trong đề thi môn Văn ạ?
Cô Hằng: Nếu cấu trúc đề 20 điểm, thời gian 180 điểm các em phải phân bổ thời gian cho câu nhiều điểm hơn, các câu ít điểm thì ít thời gian hơn. Các em nên dành 10 phút đọc hết 3 câu, lọc dàn ý ra giấy nháp. Sau đó mới bắt đầu viết.
MC: Các thầy cô có lời khuyên nào cho các em học sinh khối 12 đang ôn thi không ạ.
Thầy Hồng: Các em nên ôn tập sớm ngày nào, tốt ngày đó. Các em phải dành thời gian đọc tác phẩm, nắm chắc kiến thức cơ bản, luyện tập các kỹ năng, phương pháp làm bài. Ngoài ra cần giữ sức khỏe và tinh thần thoải mái nhất, đừng quá căng thẳng. Tôi chúc các em ôn thi tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.
Cô Hằng: Mọi sự thay đổi để làm tốt hơn, vậy nên các em đừng nghĩ quá nhiều về chuyện thay đổi đề, hay lo lắng đề thi, mà hãy ôn tập thật tốt. Cần xác định tinh thần học, không được chủ quan, đặc biệt với các bạn ban A, nên dành thời gian để học môn Ngữ Văn. Tôi tin tất cả các em sẽ vượt qua được kỳ thi. Ước mơ giống như 1 con đường chưa có người khai phá, và mình sẽ là người khám phá con đường đó.
Cô Đỗ Thị Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn, THPT Chu Văn An Hà Nội
****
Những thay đổi về hình thức thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã mang tới cho các học sinh lớp 12 không ít bối rối. Theo sự thay đổi này, năm nay, các học sinh sẽ phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc là: Toán, Văn, Anh và 1 môn tự chọn.
Việc phải làm 1 bài thi được sử dụng với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng đã mang tới cho học sinh nhiều băn khoăn, nhất là đối với môn Ngữ văn. Bởi lẽ, lâu nay nhiều học sinh theo khối tự nhiên dường như bỏ ngỏ môn học này. Chính vì thế, thời điểm này, các em đang rơi vào tình trạng chạy cấp tốc với mong muốn đủ điểm tốt nghiệp.
Trong khi đó, các học sinh đang học khối C và D dù có phần tự tin hơn nhưng cũng gặp phải ít nhiều lo lắng về hình thức ra đề và cách chuyển sang thang điểm 20.
Nhằm giúp các em học sinh giải quyết những lo lắng này và đưa ra một phương pháp ôn luyện hiệu quả, Báo Đất Việt đã phối hợp cùng Công thông tin giáo dục trực tuyến Viettelstudy.vn và Trang tin điện tử Tiin.vn tổ chức chương trình Giao lưu tư vấn trực tiếp Vì tương lai với chủ đề Phương pháp ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Hai vị khách mời tham gia trong chương trình này là: TS Phạm Hữu Cường, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội và cô Đỗ Thị Thu Hằng, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An. Đây là 2 thầy cô đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi đại học cũng như tham gia vào đội ngũ ra đề thi đại học, cao đẳng.
Theo Tiin.vn