Chữ “Tâm” viết theo tiếng Hán (có hình một trái tim (một vầng trăng khuyết, ba sao trên trời). Chữ này có nghĩa khá rộng vừa chỉ tinh thần, ý thức, lại vừa chỉ tình cảm, lý trí, vừa là trái tim lại vừa là tên chung để chỉ những phẩm chất của trí óc. Ngoài ra, nó còn chỉ những cái ở giữa (trung gian, trung tâm).
Tâm còn được hiểu theo nhiều giác độ tốt đẹp như:
“Tâm” là nơi cư trú của hoạt động tinh thần con người. Nó mang ý nghĩa là lương tâm đạo đức, tấm lòng, lòng bao dung, nhân ái độ lượng, vị tha, thương người như thể thương thân.
“Tâm” là biểu hiện sự cảm thông, biết chia sẻ với người khác lúc hoạn nạn khó khăn.
“Tâm” là tâm tính, tâm can, tâm tư, tâm khảm, là toàn tâm toàn ý cho công việc, cho sự nghiệp, lý tưởng của mình.
“Tâm” chính là lòng, bụng, dạ,…là phần bên trong của cơ thể con người, là cái quan trọng nhất, dễ nhận biết được.
“Tâm” là tâm lực, là sự tập trung cao độ của sức lực con người. Ở mỗi người, ai cũng tồn tại cái “Tâm” trong mình. Vì thế, trong cư xử giữa con người với con người, điều quan trọng là tấm lòng, là thành “Tâm”, thực bụng sống hết lòng vì nhau.
“Tâm” được xem là một trong những phạm trù quan trọng, “Tâm” còn là toàn bộ thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm” không chỉ nghĩ về lý mà còn là tình. Chính vì vậy, ngoài những chữ như: Nhẫn, đức, phúc, tài, lộc…được nhiều người treo trong nhà thì chữ “Tâm” cũng được rất nhiều gia đình lựa chọn, bởi chữ “Tâm” vừa mang ý nghĩa cao trọng, vừa mang tính thẩm mỹ cao, đồng thời bao hàm ý nghĩa của các chữ tài, đức, nhẫn.
Một tác giả đã bàn về chữ “Tâm” như sau:
1- Tâm mà lệch lạc, thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên.
2- Tâm mà gian dối, thì cuộc sống bất an.
3- Tâm mà ghen ghét, thì cuộc sống hận thù.
4- Tâm mà đố kỵ, thì cuộc sống mất vui.
5- Tâm mà tham lam, thì cuộc sống dối trá.
Với người thầy, chữ “Tâm” càng được giữ gìn, trui mài, đề cao hơn hết. Vì người thầy là hình ảnh của sự liêm khiết trong sạch, là hình ảnh của cây tùng, cây bách luôn đứng thẳng mặc cho phong ba, bão táp. Để có chữ “Tâm”, mỗi người thầy phải trải qua một quá trình rèn luyện kiên định và thường xuyên, phải biết tôn trọng lẽ phải, tránh xa điều trái. Chữ “Tâm” của người thầy không chỉ đơn thuần là tâm huyết với nghề, thương yêu giúp đỡ người học mà còn bao hàm cả phương pháp dạy học, dạy làm người. Do vậy, đối với người thầy luôn phải có cái tâm trong, gương sáng để người học soi vào đó mà học hỏi những điều hay, lẽ phải. Người thầy phải có lòng vị tha, biết thương yêu và quý trọng người học của mình, có lối sống lành mạnh để làm gương cho người học noi theo,…điều này thể hiện rõ nét khi thầy – trò tiếp cận nhau trong nhà trường, trên lớp học, ngoài xã hội,…và đặc biệt trong những giờ lên lớp, đó là thời gian thầy – trò gặp gỡ nhau nhiều nhất, trao đổi thông tin cho nhau. Chữ Tâm của người thầy còn thể hiện trên các phương diện:
Thứ nhất, tài năng, trình độ hiểu biết, năng lực chuyên môn của người thầy. Đây là điều căn bản cần có ở một người thầy khi đứng trên bục giảng, bởi lẽ người thầy cần phải có đủ lượng tri thức để truyền tải cho người học một cách đúng nhất, tốt nhất, đầy đủ, hấp dẫn. Trong quá trình giảng dạy, người thầy biết hướng cho người học có cách nhìn đúng, biết vận dụng kiến thức vào thực hiễn hoạt động, biết giá trị của một buổi học sẽ mang đến cho mình lợi ích thế nào…
Thứ hai, vai trò của người thầy khi đứng trên bục giảng ngoài giảng dạy còn thể hiện ở quan hệ đối xử, khi giải quyết những vấn đề vướng mắc xảy ra…phải thật sự công tâm, công bằng và nghiêm minh, có như thế, trong suy nghĩ của người học sẽ có sự tôn trọng, có lòng tin đối với thầy của mình, nó sẽ rèn cho người học về sự nghiêm minh, nghiêm túc trong học tập, hạn chế sự lơ là, chểnh mảng và người học sẽ có tâm thế tốt hơn trong mỗi buổi học.
Thứ ba, người thầy không chỉ truyền thụ cho người học những kiến thức chuyên môn mà cần giúp cho họ thấy được qua mỗi bài giảng trên lớp, người học sẽ được giáo dục về ý thức đạo đức, niềm tin lý tưởng trong sáng, biết học để mai này phục vụ cho quê hương, cho đất nước, biết cống hiến, hy sinh, sống vì mọi người, giữ cái tâm trong sáng. Đây cũng là những yêu cầu cần có của người học trong thời gian học tập và sau khi ra trường.
Có thể nói, nghề dạy học tự bản thân nó đã đề ra một yêu cầu cho mỗi người thầy sự nghiêm ngặt với chính mình trong việc nâng cao kiến thức, trau dồi công tác chuyên môn, rèn đức, giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, phấn đấu và cống hiến vì nhiệm vụ cao cả mà xã hội đã tôn vinh, người học trân trọng. Song để có được chữ “Tâm” là điều vô cùng cao quý khi người thầy có được nó nhưng chữ “Tâm” đó phải luôn được trân trọng giữ gìn, được rèn giũa hàng ngày để nó thực sự là chữ “Tâm” trong sáng đó là điều cốt yếu của người Thầy cần làm trong giai đoạn hiện nay.