Những ngày cuối năm, thời tiết đã rõ rệt hơn bao giờ hết. Tiết trời lạnh giá, những hạt mưa xuân lớt phớt bay, ngoài phố những cành đào, cành quất, các chậu hoa…đã được bày bán la liệt. Không khí mùa xuân đang đến gần từng ngày trên mảnh đất Hà Thành. Nhưng nếu bạn muốn thay đổi không khí khám phá những điều mới mẻvào dịp Tết này, hãy tạm rời xa thành phố náo nhiệt để đến với quê hương tôi– vùng đất Yên Bái để cảm nhận và tận hưởng vẻ đẹp núi rừng vào mùa xuân.
Chạy dọc theo tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai về phía Lào Cai khoảng 2h đồng hồ và dừng chân tại bất cứ địa điểm nào thuộc địa phận Yên bái bạn cũng dễ dàng nhận ra những đồi hoa mơ lấm chấm trắng xen lẫn màu xanh và một chút sương mù của núi rừng. Men theo những con đường ngập cọ, ta thấy đâu đó hương thơm của hoa ban, của hoa cải vào dịp sắp tết. Và khi hoa mận nở trắng nương, hoa đào, hoa tớ dày chúm chím rực hồng lưng núi là lúc người dân nơi đây chuẩn bị đón xuân về.
Mùa xuân ở vùng núi khác với ở đồng bằng, thành phố. Con người nơi đây đã chuẩn bị cho một cái Tết từ rất sớm. Vào khoảng cuối tháng 11 âm, củi đã được chất đầy kho để chuẩn bị cho những ngày tết. Trên những nương đồi vài chị gái cũng nhanh tay bẻ vài bắp ngô còn sót để tích trữ cho mùa đông sắp tới. Tháng 12, trên những thửa ruộng bậc thang đã thôi hương lúa chín vì vừa qua vụ gặt. Ở Yên Bái vào dịp Tết bạn sẽ dễ trông thấy những cành đào bích hơn ở mạn Sơn La, Lào Cai bởi lẽ quê tôi nhiệt độ không quá lạnh để những cánh đào phai tàn từ trước tết. Ngày 23, tết Ông Công Ông Táo, thay vì ra chợ mua cá chép,cá vàng để cúng thì các gia đình ở đây sẽ tự tay bắt cá để cúng. Cá khi cúng phải để trong thau,chậu hoặc bình mới, sau đó phải thả ở suối,nơi có dòng nước trong và chảy mạnh để con cá sẽ bơi đến nơi khác, cũng như ước nguyện của họ trong một năm sắp tới sẽ truyền đến tai các vị thần.
Điểm đến những món ăn không thể thiếu vào dịp Tết ở Yên Bái lại khá độc đáo và khác lạ với miền xuôi. Nếu như ở đồng bằng một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên vào dịp Tết phải bao gồm những món chính như:bánh chưng,bánh tét, dưa hành, thịt lợn, thịt gà, nem rán(chả rán),giò lụa,giò xào, canh,… Thì người Yên bái lại khá cầu kì trong bữa cơm ngày tết. Vào cuối một năm cũ khoảng từ ngày 22 đến 30 âm, những gia đình lớn sẽ tập chung đầy đủ con cháu quét dọn nhà cửa và mổ lợn. Con lợn sau khi sơ chếđược làm sạch, chia phần để làm các món ăn đặc biệt khác. Riêng phần thủ phải để luộc cả và đặt chính diện bàn thờ. Một số phần thịt khác sẽ dùng để làm nên món giò, thịt nướng, thịt gác bếp,thịt muối. Với món giò vào dịp Tết hay ngày lễ quan trọng tại Yên Bái, người dân sẽ trực tiếp gói bằng lá chuối thay vì gói bằng khuôn, ống như ngày nay vẫn làm. Nên món ăn này thêm thơm ngon và quý giá hơn những ngày thường.Dưa hành và thịt muối phải được muối cách tết khá lâu để bảo đảm củ hành muối sẽ không quá cay nồng và thịt đậm đà nhất có thể.
Một trong những món ngon truyền thống khác không thể thiếu ở yên bái chính là cơm xôi.Yên Bái là nơi quy tụ của nhiều dân tộc như Mường, Tày, H’Mông (Mèo), Mán, Thái… Nên xôi ngày tết cũng vì thế mà phong phú chẳng kém. Đặc biệt là đối với người Thái và người Mường. Người Thái làm xôi ngũ sắc tức là 5 màu: trắng, đỏ,xanh,tím,vàng. Điều thú vị là 5 màu sắc tạo thành một tổng thể, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em. Nhưng, mỗi màu sắc cũng có thể đứng độc lập, mang ý nghĩa riêng gắn với từng dân tộc. Trái lại,đối với dân tộc Mường,mỗi màu của xôi tượng trưng cho mỗi tháng của cuộc chiến tranh từng diễn ra tại nơi đây. Màu xanh lá chuối là màu của mùa xuân, màu đỏ thẫm, biểu tượng cho máu của những người đã anh dũng hi sinh, màu vàng biểu tượng cho sự đau thương li tán, màu đỏ tươi biểu tượng cho chiến thắng hào hùng của dân tộc. Để làm ra xôi họ không dùng bất cứ loại phẩm màu hay hóa chất nào, hoàn toàn được làm từ những nguyên liệu tự nhiên như quả gấc, củ nghệ, cây cẩm hoa, cây hoa vàng, lá xôi đũa, tro bếp… đã cho ra món xôi với nhiều màu sắc sặc sỡ, tưới tắn và rất ngon mắt này.
Trong mâm cơm ngày tết ở quê tôi cũng không thể quên hương vị thịt trâu, thịt bò, hay thịt lợn gác bếp(thịt khô). Trong tiếng dân tộc Thái Trắng thì thịt khô có nghĩa là”Nhắm Giảng”, người Thái Đen thì gọi là “Nhứa Giảng”. Thịt khô để ăn vào dịp tết thì không nên để quá khô mà theo như người dân ở đây thì “bên trong còn hơi ướt ăn mới ngon!”. Hơn nữa loại đặc sản này nếu như dùng không hết người dân sẽ treo lên trên gác bếp hunkhoí và ăn trong một thời gian dài kế tiếp. Chắc hẳn các bạn ai cũng biết đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Ve kêu rừng phác đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Không phải tự nhiên măng của vùng Tây Bắc được đưa vào thơ ca Việt Nam mà chính bởi sự độc lạ của món ăn này. Nếu như vào dịp Tết, miền xuôi (miền Nam) không thể thiếu canh khổ qua(mướp đắng) thì miền ngược chúng tôi cũng chẳng thể thiếu món canh măng. Hơn thế nữa vào dịp Tết là lúc măng đã nhô ra khỏi mặt đất khoảng 3-5 ngày cũng chính là độ măng non và ngọt nhất trong năm. Đặc biệt nhất khi nhắc đến Tết, người ta không thể quên đi “Bánh chưng”-tâm hồn người Việt. Từ thủa xa xưa, khi Lang Liêu tạo ra món bánh này đã qua 4000 nghìn năm lịch sử nhưng người Việt Nam ta vẫn luôn cố gắng giữ gìn vị ngon truyền thống trong từng chiếc bánh. Nhưng khác với người dân đồng bằng,ngoài bánh trưng vuông thì ở Tây Bắc, người dân lại gói thêm bánh trưng dài(bánh cóc), trong đó có Yên Bái-quê tôi. Về cơ bản Bánh chưng dài thường được gói với rất ít đỗ (đậu xanh), và rất ít hoặc không có thịt, mục đích để dành ăn lâu dài vào những ngày sau tết, xắt thành từng lát bánh rán vàng giòn hơn và ăn ngon hơn. Bánh chưng dài có thể dùng lá chuối, lá chít thay cho lá dong, với 2 đến 4 lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đỗ theo chiều của lá và quấn bằng lạt giang đã được nối bằng phương thức đặc biệt để bó chặt chiếc bánh.
Ngày nay ở quê tôi các phiên chợ cũng đã được hình thành cố định, nhưng vào dịp tết, ở nơi nào cũng thế, người dân bản đổ xuống chợ nhiều hơn ngày thường để mua bán hàng hoá. Sẽ không thấy hiếm hình ảnh những người đàn ông trong bộ đồ dân tộc gánh lợn, những chị gái địu măng xuống chợ từ phía các bản làng.Từ đây khách du lịch được thưởng thức các món ăn độc đáo của người dân bản. Mọi người ở đây cũng truyền tai nhau câu nói của chàng trai dân tộc Thái hẹn hò người yêu vào dịp xuân đến:” Noọng ơi! Tao xuống phiên chợ, tao gánh con lợn, tao mua vải đẹp, tao ủ rượu ngon chờ tết qua đón mày về làm vợ!”
Thích nhất là những ngày tết, quê tôi lại nô nức tiếc cười vui của bọn trẻ tay cầm tàu lá dong chơi trò trốn tìm. Những người lớn cũng vì thế thêm tất bật chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. Sự mong chờ nhất vẫn là vào đêm 30, lúc này trên bàn thờ đã đầy đủ mâm ngũ quả và các đồ cúng được bày biện gọn gàng, con người ta cũng sẽ thôi tất bật chuẩn bị mà thay vào đó là khoảng thời gian quây quần bên gia đình bạn bè uống chén rượu cuối năm, kể chuện vui buồn cuả một năm cũ sắp trôi qua. Vào sáng mùng 1, con cháu lại tề tựu bên gia đình ba mẹ, chúc tết anh chị em và bày mâm cơm cúng Tổ tiên dịp đầu năm mới. Khi đó những chén rượu nếp được trưng cất cẩn thận lại được đem ra chúc nhau thay cho lời mong ước một năm sắp tới thêm bình an, thịnh vượng.
Đến đây tôi lại thấy thêm yêu vẻ đẹp quê hương mình, yêu những gì gần gũi của nước Việt Nam, yêu những ngày xuân như thế này, yêu như Vũ Bằng đã viết trong “Thương nhớ mười hai“:”Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân . Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân”.Các bạn à! Đừng mãi ủ rũ trong vỏ bọc của mình mà hãy xách ba lo lên và đi đến những miền đất lạ, để cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của con người và núi rừng Tây Bắc – quê hương tôi vào mùa xuân này.
Năm mới 2017 đến gần, tôi xin gửi lời kính chúc đến thầy cô giáo trường THPT Đào Duy Từ và các bạn một năm mới sức khỏe thành công và hạnh phúc!
Ban truyền thông
Thực hiện: Thúy Phương 12H