447 lượt xem

NGÀY TẾT QUÊ EM: NÉT ĐỘC ĐÁO NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN TẠI SƠN LA

Những ngày cuối năm không khí tết đến gần lại gợi cho tôi nhớ đến mảnh đất Sơn La- nơi tôi sinh ra và có một thời gắn bó. Thời gian cứ trôi, giờ chỉ còn là những kỷ niệm trong tiềm thức, nhưng dấu ấn thì không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi – người con của vùng đất này. Nhắc đến Sơn La một trong những vùng đất rộng lớn với những vẻ đẹp tiềm ẩn, mộng mơ của một vùng đất phía Tây Bắc Tổ quốc. Bởi Sơn La là vùng đất tuyệt đẹp, núi non trùng điệp, phong cảnh kỳ vĩ và nhiều nét văn hóa, phong tục truyền thống.

Thành Phố Sơn La

Được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1961, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay thành phố Sơn La vẫn ngày càng phát triển vững bước vào tương lai. Nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa của thành phố này? Sơn có nghĩa là núi, còn La nghĩa là “điệp trùng”. Sơn La có nghĩa là vùng đất núi non trùng điệp, kỳ vĩ.

Bạn nghĩ những nơi tuyệt đẹp hay mộng mơ như vậy chỉ có ở trong phim hay tiểu thuyết?Nhưng không phải vậy! Sơn La là một vùng đất mộng mơ với mệnh danh là xứ sở hoa ban trắng: là rừng ban trắng, hoa mận nở rộ vào đầu xuân;  hoa cải trắng nở vào tháng 11…Sơn La còn là vùng đất với phong cảnh hữu tình.

Chỉ cần nghe kể là bất cứ ai cũng muốn “xách balo lên và đi”. Nếu một lần được khám phá vùng đất này vào mùa xuân thì lại càng tuyệt vời biết bao!

Ảnh học sinh Thu Hà lớp 11D- Trường THPT Đào Duy Từ tại đồi chè Mộc Châu

   Hoa cải trắng

Nghe đến danh Sơn La bạn sẽ khó cầm được nước miếng, bụng dạ cồn cào khi được thưởng thức ẩm thực, không thể không kể đến: nộm da trâu, pa pỉnh tộp hay thịt gác bếp đã trở thành “thương hiệu “vang tiếng gần xa đều biết.

Pa Pỉnh Tộp – còn gọi là cá suối nướng lật úp

Về với Mộc Châu – Sơn La, dù cuối đông nhưng thời điểm này “sắc xuân” đã gõ cửa miền đất thơ mộng của núi rừng tây Bắc. Ngày tết cổ truyền của dân tộc vùng miền nào cũng có những hương sắc riêng. Với quê tôi – người con của đồng bào Thái phong tục đón tết mang bản sắc riêng. Theo phong tục, người Thái chúng tôi ăn tết từ 25 tháng chạp đến hết mùng 10 tháng giêng của năm mới. Bữa cơm cúng tất niên được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng không thể thiếu các món ăn như: cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, cơm cốm, măng khô, thịt và món bánh chưng truyền thống được rắc vừng xay nhỏ để tạo vị đậm đà cho bánh.Chiếc bánh chưng ít nhân, bời người ta quan niệm rằng: hương vị tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong, đó là tinh hoa và thành quả lao động để dâng lên tổ tiên.

Mâm cơm ngày tết

Cũng giống như những vùng miền khác, chúng tôi đón giao thừa vào đêm 30, gọi là tục “Pông Chay”. Thường cả nhà không ai ngủ, thức luôn đến sáng hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa làm các loại bánh trái như:bánh ít, bánh rán, đồ cá, moọc, nạp… Ông tôi, người nhiều tuổi nhất gia đình sẽ mặc bộ đồ thổ cẩm mới kính cẩn đọc bài cúng “chào đón tổ tiên xuống tề tựu”. Sau bài cúng, con cái trong nhà phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên.

Một phong tục nữa của người Thái chúng tôi trong sáng mùng một đầu năm, đó là tục đi lấy nước suối về. Với quan niệm: nước là điều may mắn, đem lại sự sống, tốt tươi cho cả năm.Ngày mùng một tết, các gia đình họ hàng đi chúc tết chào đón năm mới với lời chúc sức khỏe, thành công và bội thu. Trẻ em được người lớn lì xì cùng lời chúc thêm tuổi mới, học giỏi, ngoan ngoãn.

Vùng núi cao Tây bắc còn được biết đến với nhiều lễ hội, đầu năm mọi người đi chơi xuân, đi chợ xuân để tham gia các trò chơi dân gian như đu quay, đánh pao… Đến hội các bạn được xem múa “xòe vòng”, một hình thức múa cộng đồng. Trong tiếng cồng, chiêng với âm thanh trầm bổng mọi người đến xích gần bên nhau, cùng nhau nhảy điệu xòe vòng. Chục người làm một vòng xòe, dăm bảy người xếp vòng xòe bên ngoài, hình thức múa rất đơn giản, các tạo hình và động tác, bước đi nhịp nhàng của độ nhún gần gũi với nhiều hoạt động sinh hoạt và lao động hàng ngày. Người đánh chiêng, đánh trống cũng rất tinh tế, uyển chuyển lúc mạnh, lúc nhẹ và có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Điệu múa xòe vòng của đồng bào Thái

Ngày hội tết quê tôi là dịp để nhà nhà, người người sum vầy tụ họp, tất cả mọi người cùng xuống hội để tận hưởng niềm vui chung. Cùng chúc nhau một năm mới khỏe mạnh – thịnh vượng.Một năm học xa nhà, giờ là những ngày giáp Tết, tôi vẫn đang cố gắng học tập hoàn thành chương trình, chuẩn bị thu gọn sách bút để về quê ăn tết chung vui cùng gia đình, bản làng. Mảnh đất Sơn La, nơi đã từng gắn bó 15 năm tuổi thơ với biết bao kỷ niệm đẹp và niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây.

Năm mới đến gần, ai đi xa đều mong được về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau ôn lại những truyền thống văn hóa của dân tộc gia đình. Là một học sinh của trường THPT Đào Duy Từ tôi xin gửi lời kính chúc tới thầy cô và bạn bè một năm mới sức khỏe – hạnh phúc – an khang – thịnh vượng!

                                                                                                                           

                                                                                                                             Ban truyền thông

Thực hiện: Thái Hà

Tuyển sinh trường PTLC Đào Duy Từ năm học 2021-2022