314 lượt xem

HỌC THẦY-HỌC BẠN: Sự can thiệp của smartphone vào cuộc sống của con người.

Thầy/cô Tổ Ngữ văn tiếp tục gửi đến các em bài viết nghị luận xã hội của các bạn Nghiêm Anh Thư 11Do1, Nguyễn Bá Hải 11Do2, Nguyễn Thu Hà 11D về một vấn đề rất quen thuộc với chúng ta: Sự can thiệp của smartphone vào cuộc sống của con người.

Đề bài 1: Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: sự can thiệp của smartphone vào cuộc sống của con người.


Rất nhiều người sử dụng smartphone ở mọi lúc, mọi nơi và dường như họ không hề chú ý tới những điều xảy ra xung quanh mình

Bài viết số 1

            Trong công nghệ, sự sáng tạo của con người là vô tận, và smartphone chính là một trong những phát minh đánh dấu bước ngoặt của nhân loại, có sự can thiệp lớn vào cuộc sống của con người. Nếu nhiều năm về trước smartphone vẫn còn là một khái niệm xa lạ thì tại thời điểm này ai ai cũng biết và sử dụng smartphone. Một số thông kê cho thấy con người sử dụng smartphone trong hầu hết các thời gian rảnh, thời gian nghỉ ngơi, thậm chí cả lúc làm việc và sinh hoạt cá nhân. Nó đã trở thành “một người bạn” không thể thiếu trong cuộc sống con người. Bởi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, sở hữu nhiều tính năng ưu việt, con người có thể kết nối với nhau, cập nhật thông tin, chia sẻ cảm xúc. Thậm chí có người từng nói rằng: “Có một chiếc smartphone tức là bạn đang có cả thế giới”. Vâng, cả thế giới ! Nhưng tôi xin nói rằng thế giới ấy không phải là thế giới mà con người thực sự cần đến. Mỗi lần ra đường, bạn có đếm hết được bao nhiêu người cúi đầu, chìm đắm vào thế  giới trong smartphone mà đáng ra họ phải ngẩng đầu nhìn cuộc sống xung quanh mình.

Đã có biết bao tai nạn đau lòng chỉ vì một lời bình luận trên Facebook, Twitter? Con người cai rượu bia, cai thuốc lá và giờ là cai…thế giới ảo trong smartphone. Smartphone giống như một con dao hai lưỡi, sử dụng đúng cách thì có ích nhưng nếu ta quá lạm dụng thì cái giá phải trả là quá đắt. Ta sẽ đánh mất đi bản năng của một con người bình thường vốn có, mất đi thời gian, hao mòn đi sức khoẻ và mất đi cuộc sống thực tại. Thay vì nhìn vào chiếc điện thoại, đắm chìm vào thế giới ảo thì hãy ngẩng đầu lên và nhìn xem thế giới chúng ta đang sống, còn vô vàn điều tuyệt vời và thú vị hơn. Smartphone là một phát minh lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, nhưng hãy đủ tỉnh táo để đừng biến bản thân thành nô lệ của smartphone!

Học sinh Nghiêm Anh Thư 11D01

————–

Smartphone có sức ảnh hưởng lớn đến nỗi trong mỗi bữa ăn của mình, nhiều người không thể ngừng sử dụng điện thoại

Bài viết số 2

Chiếc smartphone là một trong những phát minh có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỉ XXI. Vậy ta nhận được gì từ sự can thiệp của nó vào cuộc sống con người?  Smartphone hay còn được gọi là chiếc điện thoại thông minh với nhiều ứng dụng tiện ích khi được kết nối với internet, giúp cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn. Dù chỉ nhỏ gọn trong túi quần của chúng ta nhưng nó có thể gọi hay nhắn tin tới những nơi xa ta cách hàng vạn, trăm, nghìn km. Chỉ với vài cử động của ngón tay là ta có thể có được nhiều thông tin về tất cả mọi lĩnh vực hơn bất kì cuốn bách khoa toàn thư nào đã được viết. Nó có thể ghi lại mọi khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời ta, xoá mọi khoảng cách về địa lý. Và từ điều này mà nhiều người cho rằng chính smartphone đang kéo chúng ta gần nhau hơn. Đúng, điều này tôi không phủ nhận nhưng nó đã thật sự toàn diện chưa? Khi con người ở gần nhau vẫn tiếp tục sử dụng smartphone để giao tiếp thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Đó là khi những người bạn ngồi cạnh nhau trong bàn ăn vẫn nói chuyện với nhau qua Facebook.

Rồi một cặp đôi Trung Quốc đã vô cùng “sáng tạo” khi quyết định thay tình mẫu tử bằng ứng dụng Facetime để dỗ dành con đêm khuya cho đỡ phải ra khỏi giường. Chính smartphone đã gắn liền khoảng cách địa lý nhưng nó lại tạo ra khoảng cách về tâm lý. Con người đang trở nên vô cảm do thiếu giao tiếp “mặt đối mặt”. Smartphone cũng là gốc rễ của bao thói quen xấu và tật xấu. Thói quen “cúi đầu” và “cắm mặt” vào chiếc điện thoại đã trở nên quá phổ biến đến mức con người đắm chìm vào thế giới ảo, không biết thế giới xung quanh đang có gì diễn ra. Đó là khi một tên khủng bố rút súng ra ngay trên tàu điện ngầm mà không ai biết gì vì họ đang dùng smartphone. Đó là khi các tai nạn thương tâm do vừa qua đường vừa sử dụng điện thoại. Những người này luôn thường trực sống trong thế giới ảo để rồi rời xa thế giới thực. Lối sống này kéo dài có thể khiến con người chết dần, chết mòn về thể xác và tâm hồn. Có thể ví von mối quan hệ giữa Smartphone với cuộc sống của chúng ta như một sợi xích kẹp chặt .Ta đang sống như những con “zombie”, những kẻ nô lệ cho nó. Vì vậy, hãy tắt điện thoại đi, giải phóng mình khỏi “sợi xích” ấy và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này, bạn nhé !

Học sinh Nguyễn Bá Hải 11D02

Bạn Nguyễn Thu Hà (11D), Nguyễn Bá Hải (11D02), Nghiêm Anh Thư (11D01) (Từ trái qua phải)

——————

Đề bài 2: Hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề: sự can thiệp của smartphone vào cuộc sống của con người.

Bài viết

Sự ra đời của một sản phẩm công nghệ như máy tính, máy in, ipad, smart phone…sẽ  mang đến cho con người vô vàn tiện ích mới nhưng cũng đồng thời làm dấy lên lo ngại cho một thời đại cúi đầu. Cái “cúi đầu” ở đây không phải là sự biểu hiện của sự trả ơn hay xin lỗi mà là sự cúi đầu trước một vật phẩm vô tri vô giác, ngấm ngầm “tạo chất gây nghiện” và vô hình biến ta thành những nô lệ của chúng. Smart phone – những chiếc điện thoại thông minh đang từng bước làm chủ cuộc sống của con người.

Cách đây 10 năm, nếu smart phone chỉ là một khái niệm còn xa lạ thì giờ đây, cùng với sự hội nhập khoa học kỹ thuật, điện thoại thông minh đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu của nó bằng hàng trăm ngàn ứng dụng hữu ích, thay thế hoàn toàn cho những chiếc máy tính cồng kềnh. Chỉ với một màn hình chưa đầy 10 inch, con người có thể làm việc cập nhật thông tin về mọi mặt xã hội, giải trí, lướt wed ở mọi nơi và mọi lúc. Nếu như mọi khi con người sẽ hạn chế những cuộc gặp mặt trực tiếp vì khoảng cách địa lý, thì giờ đây chỉ với một chiếc điện thoại thông minh thì mọi khoảng cách ấy lập tức bị xóa nhòa. Nó đã giúp thay đổi phương thức liên lạc truyền thống, dù đang ở bất cứ lúc nào hay đang ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần một thao tác là bạn đã có vô số sự chọn lựa để kết nối với người thân, từ hội thoại kèm video, gửi tin nhắn hình, chát tức thời hay đơn giản là cập nhật, trạng thái trên Facebook. Nếu như trước đây chúng ta muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ đều phải cần tới chiếc máy ảnh nặng nề, phức tạp, thì nay chiếc smart phone sẽ đảm đương trách nhiệm đó. Một ví dụ khác cho việc smart phone đã thay đổi cuộc sống của con người đó là cách đây vài năm, phóng viên tác nghiệp phải luôn sẵn sàng giấy bút, cùng máy ghi âm thì giờ đây tất cả những gì họ cần mang chỉ là một chiếc điện thoại thông minh hỗ trợ đầy đủ chức năng này. Chúng ta phải khẳng định và công nhận rằng, việc phát minh ra smart phone là con người đã đạt tới thành tựu vĩ đại của sự phát triển công nghệ, chưa bao giờ cuộc sống lại trở nên đơn giản và tiện ích tới vậy!

Với tất cả những chức năng ấy sẽ không ngạc nhiên khi ta bắt gặp chiếc smart phone xuất hiện ở khắp mọi nơi như vậy. Nó không chỉ ở trong túi quần, túi áo, trong cặp sách, tại những nơi làm việc hay vui chơi giải trí mà còn len lỏi vảo những không gian riêng tư nhất như phòng ngủ hay nhà vệ sinh. Chúng ta có thể quên chiếc bút, quên sách, vở, quên tài liệu nhưng một thứ bất giác ta lại không bao giờ quên khi ra khỏi nhà, đó là chiếc điện thoại smart phone. Đây là những biểu hiện rất nghiêm trọng cho một thực trạng đa trở nên phổ biến trong những năm gần đây: “Con người đang quá lạm dụng smart phone!” Dĩ nhiên chúng ta đang sống trong một xã hội tự do. Trừ các rạp chiếu phim, bạn khó có thể nghĩ ra một địa điểm nào đó mà con người nên bị cấm sử dụng điện thoại di động, và thậm chí quan điểm cấm smart phone trong rạp chiếu phim cũng bị lôi ra tranh cãi. Thật không khó để bắt gặp những người tham gia giao thông nhưng chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại, họ chỉ đang quan tâm tới điều đó mà phó mặc tính mạng của mình chăng? Chuyên gia Tames Robert cũng đã từng nói rằng: “chúng ta đều nhìn thấy những bộ dạng của người nghiện smart phone đang bước đi vô định trên phố hay vỉa hè và đôi khi chúng ta suýt đụng xe vào họ (có thể vì chính chúng ta – đang vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại)”. Không chỉ có vậy, hãy thử nghĩ về một vụ giết người kinh hoàng trên đường San Francisco. Vào ngày 23-9, trên một toa xe đông người, một gã đàn ông rút súng ngắn từ tay áo, đe dọa mọi người nhưng trớ trêu thay những hành khách đứng cách hắn vài mét cũng chẳng mảy may biết, bởi mắt họ không rời khỏi smart phone và tablet cho tới khi hắn bắn một phát súng vào lưng của một sinh viên. Nghe thật khó tin, ngưng lại là sự thật. Chúng ta luôn nhìn thấy mọi người đang trở nên “nghiện” smart phone nhưng lại chẳng hay biết chính bản thân mình cũng nằm trong số những người như vậy. Cũng vì thế mà đã rất nhiều câu chuyện được truyền tai rằng vì smart phone mà con người trở nên vô cảm và lãnh đạm hơn rất nhiều. Gặp một sự việc trên đường cần hỗ trợ, đáng lẽ phải sắn tay áo giúp đỡ hoặc nếu không cũng là gọi điện thoại cho cơ quan chức năng; nhưng không! Tất cả những gì người ta làm chỉ đơn giản là chụp ảnh, quay phim rồi đưa lên mạng xã hội. Thật đáng buồn! con người đã “yêu” smart phone hơn yêu chính bản thân mình. Có lẽ, giờ đã là quá muộn để nhận ra rằng căn bệnh “nghiện” smartphone của chúng ta đang làm ô nhiễm môi trường công cộng và phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại.

Đối với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng tôi, nếu không có trong tay một chiếc smartphone đồng nghĩa với việc trở nên lạc hậu. Smart phone giúp chúng ta học tập thay vì cuốn từ điển dày hàng trăm trang thì chỉ với một ứng dụng tiện ích là có thể tra cứu dễ dàng. Nhưng đại bộ phận các bạn trẻ đều sử dụng vào mục đích giải trí như: chụp ảnh, chơi game, lướt Facebook hơn là khai thác những tiện ích về học tập. Ngoài thời gian học tập tại trường, các bạn đang dành hết quỹ thời gian còn lại vào chơi smartphone, vào mạng xã hội thay vì tham gia các hoạt động xã hội hay chơi một bộ môn thể thao. Chúng ta không thể đọc một cuốn sách trong suốt hai tiếng đồng hồ nhưng hoàn toàn có thể lướt Facebook, cập nhật những dòng status hay những bức ảnh để câu lượt like, lượt view trên mạng xã hội. Lâu dần căn bệnh “cúi đầu” đang hủy hoại  thế hệ trẻ của một đất nước. Hãy ghi nhớ câu nói của Andrew Sullivan – tác giả bài viết “Tôi cũng từng là con người” đăng trên tạp chí New York để không trở thành nô lệ của công nghệ bạn nhé!

“Chúng ta không thể cưỡng lại được sức hút của công nghệ, nhưng tôi bắt đầu lo sợ rằng chúng ta đang chết dần chết mòn bằng chính lối sống phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ như thế này”

Học sinh Nguyễn Thu Hà 11D

Cô Đỗ Thị Thu Hằng (Giáo viên bộ môn Ngữ Văn) và bạn Nguyễn Thu Hà lớp 11D

 

Tuyển sinh trường PTLC Đào Duy Từ năm học 2021-2022