329 lượt xem

HỌC THẦY – HỌC BẠN: NHẬN THỨC LÝ TÍNH VÀ NIỀM TIN VÀO PHÉP LẠ?

Tuần này thầy/cô tổ Ngữ văn xin giới thiệu đến các bạn học sinh bài viết nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) của bạn Mạc Quỳnh Mai lớp 11D02 và bạn Vũ Phương Nga lớp 11D01 về quan điểm “Khi trưởng thành niềm tin vào phép lạ lại càng rời xa con người” (Đoàn Công Lê Huy). Các em cùng đọc tham khảo, học hỏi cách viết bài của bạn nhé!  

NHẬN THỨC LÝ TÍNH VÀ NIỀM TIN VÀO PHÉP LẠ?

*               *

*

Bài viết số 1

“Tôi” của hiện tại – 16 tuổi – cùng “tôi” trong quá khứ nhiều năm về trước thật khác biệt dù là ngoại hình, nhận thức, hay tư duy. Thời ấu thơ, “tôi” thật ngây thơ. Ai chẳng một lần như “tôi” ngước lên nhìn vầng trăng rồi tưởng tượng ra hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc đa. Có cô bé nào lại không mong ước bản thân là công chúa nhỏ xinh đẹp, đợi một ngày bạch mã hoàng tử đến đón? “Tôi” lớn lên cùng những câu chuyện “nghìn lẻ một đêm”, cổ tích dân gian quen thuộc bên gối khi chìm dần vào giấc ngủ với lời kể dịu dàng của mẹ. Niềm tin của con trẻ mang đậm dấu ấn chủ quan góp phần nuôi dưỡng tâm hồn “tôi” trong những ký ức thời thơ ấu với mộng mơ quá đỗi ngọt ngào. Nhưng đời người là một đường thẳng không vẽ lại hai lần. “Tôi” phải lớn lên, phải nhận thức được bản chất, quy luật của xã hội với tư duy của một người trưởng thành. Đấy là khi “tôi” biết một cây tre sẽ không có trăm đốt, một đứa trẻ không thể bỗng chốc lớn thành chàng trai… hay bất kỳ hiện tượng nào được “thần kỳ hóa” dưới ngòi bút của tác giả dân gian cũng không có khả năng trở thành sự thật.

 

Quá trình để nhận thức của một đứa trẻ hoàn toàn được đổi mới giống như cách một con bướm lột xác, cần thời gian, sức lực và cả những vết thương. Dù nói rằng càng trưởng thành thì niềm tin vào phép màu càng rời xa ta nhưng ta vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại của những điều kỳ diệu vốn vẫn luôn hiện hữu xung quanh. Nick Vujicic là người bẩm sinh khuyết tật, thiếu vắng cả tứ chi, nhưng anh vẫn thành lập một tổ chức cho riêng mình và trở thành một biểu tượng của nghị lực, truyền cảm hứng tới mọi người trên toàn thế giới. Hay Nguyễn Ngọc Ký, người nhà giáo không tay nhưng với quyết tâm, ông đã trở thành người thầy đầu tiên dùng chân viết chữ tại Việt Nam. Kỳ tích vẫn luôn xuất hiện, không phải dưới cây phất trần của ông Bụt, cũng không phải với gậy phép của bà tiên, mà bởi ý chí cùng niềm tin của chính con người. Đâu đó giữa tấp nập, ồn ã của cuộc sống đời thường, ta vẫn nghe văng vẳng bên tai thanh âm thật trong trẻo, thật vui tươi: “ Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được nhìn thấy các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/ Quả thị thơm cô Tấm rất hiền…”

Học sinh Mạc Quỳnh Mai – 11D02

 

Bài viết số 2

Trong một bài viết đăng trên báo Hoa Học Trò nhà văn Đoàn Công Lê Huy cho rằng: “Niềm tin vào phép lạ càng rời xa khi con người trưởng thành”. Tôi đồng tình với quan niệm này bởi lẽ ai trong chúng ta cũng đều trải qua tuổi thơ với niềm tin ngây ngô vào những cảm xúc thần thoại, cổ tích. Đó là niềm tin vào những món quà giáng sinh được nhận từ ông già Noel – người đàn ông mặc trang phục đỏ luôn mang theo bên mình phần quà dành tặng cho những đứa trẻ ngoan. Đó là giấc mơ làm hoàng tử, công chúa để có thể thoải mái vui chơi trong lâu đài xinh đẹp… Tất cả những nhận thức non nớt ấy của ta khi còn bé thơ đều mang đậm dấu ấn chủ quan. Vậy nên, khi ta lớn lên, trưởng thành hơn, nhận thức, tư duy lí tính, khoa học phát triển chính là lúc ta phủ định lại “những phép lạ” của một thời ấu thơ. Ta hoàn toàn có thể cắt nghĩa được những cảm xúc thần thoại, cổ tích thời cổ đại. Cùng với nhận thức đúng đắn, con người ta đôi khi sẽ buồn, sẽ đau cho niềm tin vào phép lạ trước kia vì chúng hoàn toàn không có thực, như là nỗi đau của “quả trứng nứt vỏ để chui ra con gà”. Tuy nhiên, đó là lẽ thường bởi khi nỗi buồn của cảm xúc khép lại cũng chính là lúc niềm vui của lí trí mở ra, là lúc ta sẵn sàng đối diện với thực tế cuộc sống chứa đựng nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn.

 

Bên cạnh những nhận thức mang tính lí trí thì con người luôn luôn có những niềm tin vào sự tồn tại của phép màu. Nhờ có niềm tin ấy mà con người ta sống vui vẻ, nhân ái, sống có ích hơn trong cuộc sống này. Có thể kể đến Ludwig van Beethoven – nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức dù khiếm thính từ nhỏ nhưng đã cố gắng nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân để soạn nên những bản nhạc bất hủ vang danh muôn đời. Hay Nick Vujicic – chàng trai người Úc bị khuyết tật cả tay lẫn chân vẫn nổi tiếng toàn cầu nhờ tài năng diễn thuyết mà không phải ai cũng có được. Chính vì vậy, dù có lớn lên, trưởng thành hơn, chúng ta cần phải “hiện thực hóa” những phép lạ thời thơ ấu, luôn xây dựng niềm tin vững chắc vào nó để sống đẹp hơn trong cuộc đời này như những câu thơ trong bài thơ “Truyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ:

“Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm”

Học sinh: Vũ Phương Nga – 11D01

Tuyển sinh trường PTLC Đào Duy Từ năm học 2021-2022