330 lượt xem

HỌC THẦY, HỌC BẠN: “CHUYỆN CỦA NAM”

Xin tiếp tục giới thiệu đến các bạn học sinh trường THPT Đào Duy Từ bài viết của bạn Nguyễn Thị Trang Nhung 10D2 và Nguyễn Thị Thuỳ Dương 12D0 với đề văn theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất.

Đề bài:

CHUYỆN CỦA NAM

Đọc mẩu chuyện nhỏ về gia đình bạn Nam dưới đây và làm bài theo yêu cầu:

Nam là con út nên được cả gia đình rất quan tâm, cưng chiều. Ông, bà, cha mẹ, và chị gái luôn muốn dành cho Nam những điều tốt nhất nhưng quan điểm của mỗi người thường không giống nhau, khiến cho Nam nhiều khi rất khó xử. Chẳng hạn, thấy Nam về nhà hay học ngoại ngữ bằng cách chêm xen việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài khi giao tiếp thì trong nhà mỗi người một ý

– Ông nội cho rằng: Đó là kiểu học đòi nhí nhố và khuyên Nam đừng lấy cớ học ngoại ngữ để làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.

– Cha mẹ lại thuyết phục ông cho Nam được tự nhiên trong giao tiếp. Cha Nam nói: “Việc sử dụng chêm xen những từ nước ngoài bây giờ không phải là điều gì nghiêm trọng. Vì trên ti vi, báo đài người ta cũng dùng rất nhiều từ nước ngoài nưh showbiz, smartphone, contact…. Chỉ cần là đừng quá lạm dụng, quá chung khiến cho cách nói năng thêm cầu kì khó hiểu.

– Chị của Nam thì khăng khăng cho rằng: đó là cách học đi đôi với hành sẽ phát triển khả năng ngoại ngữ của mình. Bây giờ giới trẻ đều nói như thế, nếu Nam không làm thế sẽ trở nên lạc lõng với bạn bè….

Em hãy bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình về vấn đề trên?

Bài viết số 1:

Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp lâu đời giữa những con người với con người, nó còn là tiền đề cho việc bộc lộ cảm xúc và là nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc. Dân tộc Việt Nam tự hào với thứ ngôn ngữ mang đặc trưng văn hóa riêng – Tiếng Việt. Qua từng thời kì chiến đấu và phát triển thì thứ ngôn ngữ đẹp ấy cũng có nhiều sự thay đổi. Vậy làm sao để có thể vừa gìn giữ mà vẫn kết hợp đồng đều với ngôn ngữ chung của thế giới?

Câu chuyện nhỏ về gia đình bạn Nam đã cho ta thấy cách suy nghĩ và ứng xử của mỗi thành viên – đại diện chung cho các thành viên khác nhau về phương thức giao tiếp bằng ngôn ngữ. Ta thấy, đại diện cho thế hệ lão thành là người ông có quan điểm “Học đòi nhí nhố” và “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”. Đến thế hệ sau là cha mẹ Nam lại đưa ra ý kiến: “Việc sử dụng chêm thêm từ nước ngoài không phải điều gì nghiêm trọng”, “chỉ cần là đừng quá lạm dụng, quá chung khiến cho cách nói năng thêm cầu kì khó hiểu”. Còn chị của Nam thì có hướng suy nghĩ “Đó là cách học đi đôi với hành”, “giới trẻ đề nói như thế, nếu Nam không làm thế thì sẽ trở nên lạc lõng với bạn bè”…Ba quan điểm trên đã bộc lộ rõ hướng suy nghĩ đặc trưng của mội người hiện nay.

Ông của Nam quả thực không sai, việc những ngôn ngữ nước ngoài được du nhập vào nước ta phần nào đã ảnh hưởng tới ngôn ngữ giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp hàng ngày ở giới trẻ. Nhưng với sự mở rộng và hội nhập từ Việt Nam tới thế giới và ngược lại thì đó là điều không tránh khỏi. Cả ba và chị của Nam đều có hướng suy nghĩ mở rộng hơn đối với ngôn ngữ nước ngoài. Ngày nay, ta thấy khó có thể  không bắt gặp những ngôn ngữ nước ngoài trên những phương tiện truyền thông hay ngay cả đi dọc với những con phố cũng xuất hiện đầy rẫy các của hiệu tiếng Anh. Nhưng đó là sự hội nhập của ngôn ngữ, còn sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, thiếu trong sáng là câu chuyện là một chuyện khác. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” quả là vậy, những cũng không vì thế mà làm cho ngôn ngữ Việt Nam bị lệch lạc, thiếu văn hóa. Xuất hiện rầm rộ trên các trang mạng của nước ta hiện nay xuất hiện rất nhiều các từ ngữ tục tĩu, mang nôi dung phản cảm hay thứ ngôn ngữ xấu ấy lại xuất hiện với các phương thức “viết tắt”. Ra ngoài đường, vào một quán ăn cũng thấy xuất hiện với phương thức “viết tắt”. Ra ngoài đường, vào một quán ăn cũng thấy xuất hiện từ “order” thay vì từ “gọi món”. Từ đâu mà xuất hiện sự thay đổi ấy, đó là thói quen hay “thay đổi hợp thời thế?”. Giới trẻ Việt Nam đang dần thay đổi trên tất cả các phương diện ấy là ngôn ngữ. Như đã đề cập ở trên, đó là do sự thay đổi và phát triển của các thời đại. Nhưng cũng một phần nằm ở “cái tôi” của mỗi người, Hiện nay, việc lợi dụng ngôn ngữ sính ngoại làm mất đi văn hóa giữa hai ngôn ngữ là không ít. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà là cả cộng đồng. Sử dụng ngôn ngữ ngoại không chỉ làm khó khăn trong giao tiếp mà đôi khi lại tạo nên sự tách biệt trong mối quan hệ giữu người với người. Ta có thể theo cái trào lưu ấy nhưng biết đâu rằng nó đang gây ra một khoảng cách giữa các thế hệ. Ngay trong câu chuyên gia đình Nam đã có sự phân cách trong tư tưởng và suy nghĩ như vậy. Đối với cộng đồng thì sao? Chúng ta nên làm gì? Theo quan điểm cá nhân, ngôn ngữ giao tiếp và cách sử dụng nó chính là cách đánh giá phẩm chất và nết đẹp của mỗi con người. Đối với văn học nói riêng và giao tiếp nói chung thì sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng và phù hợp là một nét đẹp đáng quý. Sống tại thời điểm bây giờ, biết cách để giữ gìn Tiếng Việt và sử dụng tiếp cận tiếng ngoại một cách hợp lý là bảo tồn văn hóa ngôn ngữ. Ta nên nói một cách dễ hiểu, không sử dụng ngôn ngữ quá cầu kì gây khó hiểu trong giao tiếp. Sử dụng ngôn ngữ ngoại ngữ sao cho hợp lý, hợp thời điểm và địa điểm. Tránh lan man, viết kí tự. Vì nói ở đây không phải để thể hiện bản thân, “cái tôi” mà nói ở đây là biết cách nói sao cho tinh tế, lịch sự, dễ nghe, dễ hiểu để tôn lên vẻ đẹp của ngôn ngữ. Nói sao để người già, người trẻ cùng nghe và hiểu được, đó mới là hợp lý và để thể hiện được văn minh trong giao tiếp.

Ngôn ngữ hàm chứa trong nó vẻ đẹp tinh tế tiềm ẩn mà chỉ  khi người sử dụng đúng cách thì nét đẹp ấy mới hiện hữu. Vậy hãy nói sao cho phải, cho đúng để tôn lên vẻ đẹp dân tộc – tiếng Việt.

Nguyễn Thị Trang Nhung – 10D2

 

Bài viết số 2:

Trong xã hội hiện đại hóa như hôm nay, nhu cầu học tập môn Tiếng Anh ngày càng tăng và vô cùng cấp thiết với mỗi học sinh chúng ta. Câu chuyên của gia đình Nam cũng như tình trạng xã hội hiện đại ngày nay câu hỏi lớn đặt ra cho mỗi chúng ta là tiếng Anh và những gì mình đã học vào trong cuộc sống như thế nào để không làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.

Sau khi đọc xong “Chuyện của Nam”, dường như Nam đang ở trong một tình thế vô cùng khó xử với những người thân trong gia đình. Bởi ông nội, cha mẹ, chị gái Nam mỗi người đều đưa ra những lý lẽ phù hợp với bản thân, vị thế của mình. Khoảng cách giữa những thế hệ khác nhau nên sự đồng nhất ý kiến với nhau là một việc vô cùng khó khăn. Nếu như ông nội Nam do khoảng cách tuổi tác của ông với Nam xa nhau, ông cho rằng cách học tiếng Anh của Nam xen thêm những từ ngữ tiếng Anh là việc học đòi nhí nhố, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Còn chị Nam là một trong những giới trẻ ngày nay có ý kiến hoàn toàn trái ngược với ông nội. Ý kiến này vừa đúng, vừa sai. Học đương nhiên phải đi đôi với hành để chúng ta có thể nhớ sâu phần kiến thức vừa học hơn.Nhưng không có nghĩa xen những câu tiếng Anh vào  tiếng Việt một cách vô lý rồi lại lấy lý do “bây giờ giới trẻ đều như thế”, họ như thế không có nghĩa là bản thân cũng phải học đòi theo những xu hướng vì bản thân sợ lạc lõng, quê mùa. Có lẽ, bản thân em lại hoàn toàn đồng ý với bố mẹ của Nam, có những từ tiếng Anh thông dụng hàng ngày vẫn được dùng trên báo đài thì ta có thể áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Nhưng không có nghĩa là được lạm dụng một cách  vô tội vạ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt.

Bác Hồ đã dạy chúng ta phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa của nước ngoài một cách có chọn lọc. Từ việc gia đình của Nam chúng ta có thể suy rộng ra thực trạng Tiếng Việt trong xã hội bây giờ đã và đang bị sử dụng một cách tùy tiện, thiếu trong sáng. Thực tế cho thấy tiếng Việt hiện nay đang dần dần được sử dụng sai về moi mặt một cách có chủ đích. Từng chữ, cách viết có sự thay đổi kì lạ mà các bạn trẻ vẫn biện minh theo suy nghĩ “teen hóa”, như thế mới là hợp thời. Rất dễ để chúng ta bắt gặp được những câu nói của giới trẻ “Sorry. Mai tớ không đi Party of you rồi vì bài vở nhiều quá”. Trong khi phải nói là “Xin lỗi. Mai tớ không đi dự tiệc của cậu được rồi vì tớ nhiều bài tập quá”. Như vậy, đó là một trong những bệnh lạm dụng tiếng Anh một cách quá đà. Hay có những bạn học được một ít từ tiếng Anh nói một chữ chèn một chữ tiếng Anh để ra “oai” với mọi người là mình biết tiếng Anh. Có lẽ, với những thế hệ như ông nội của Nam không đồng tình với cách áp dụng tiếng Anh một cách vô lý như thế hoàn toàn có cơ sở.

Học ngoại ngữ để mở rộng vốn kiến thức là vô cùng đáng quý nhưng áp dụng vào thực tế lại là một điều rất nan giải hiện nay. Nếu chỉ mải mê học ngoại ngữ và dùng ngoại ngữ mà coi nhẹ việc trau dồi và giữ ìn bản sắc tiếng Việt thì có thể đến một lúc nào đó tiếng Việt không còn là niềm tự hào của chúng ta khi nhắc đến những tác phẩm nổi tiếng từ đời này sang đời khác, được cả thế giới đón nhận và công nhận như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi. Cha ông ta đã hy sinh biết bao xương máu để giành lại được độc lập dân tộc trong đó có sự độc lập của tiếng Việt. Vậy tại sao chúng ta lại không giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt? Bản thân mỗi chúng ta phải học cách tiếp thu từ nước ngoài một cách có chọn lọc, không nên theo trào lưu văn hóa phương tây mà áp dụng nửa vời thiếu hiểu biết về đất nước mình. Nếu chúng ta thật sự yêu thích môn tiếng Anh, ta có thể đến những trung tâm dạy giao tiếp tiếng Anh hay vào dịp cuối tuần chúng ta lên phố Tạ Hiện nhộn nhịp đông đúc, trò chuyện với những người nước ngoài, như vậy chúng ta có thể nâng cao trình độ tiếng anh mà không cần phải xen những từ tiếng Anh vào tiếng Việt.

Với mỗi học sinh chúng ta, hiện tại đang ngồi trên ghế nhà trường hãy luôn rèn luyện cho mình học tập thật tốt, biết áp dụng những gì học từ sách vở vào cuộc sống một cách có cơ sở và khoa học. Và hãy luôn biết quý trọng tiếng Việt để giữ gìn cho sự trong sáng cho những ngôn từ tiếng Việt. Bởi đó là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam ta và chúng ta luôn ghi nhớ câu nói của  Bác Hồ đã day “Tiếng nói là thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó ngày càng phổ biến rộng khắp

Nguyễn Thị Thuỳ Dương – 12D0 

Tuyển sinh trường PTLC Đào Duy Từ năm học 2021-2022