336 lượt xem

Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

(ĐDT) – Các em học sinh thân mến!

Bác Hồ – người con của làng Sen, xứ Nghệ – sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cả cuộc đời Người dành trọn cho quê hương, dân tộc. Người là tấm gương đạo đức sáng ngời mà các thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và muôn đời sau học tập, làm theo.

.

Bác đã ra đi, nhưng tên tuổi của Bác, sự nghiệp cách mạng của Bác đã tạc vào hồn quê sông núi, như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn cỏ mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già”

Sau đây, cô gửi tới các em một bài viết nghị luận xã hội với nhan đề: Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua câu chuyện “Bác Hồ đến thăm trại trẻ Kim Đồng”

Hình ảnh Bác Hồ với các cháu thiếu nhi

Ở đất nước của hoa anh đào, trà đạo, tinh thần võ sĩ đạo Samurai; có một nghi thức quan trọng gọi là Ojigi – nghi thức cúi chào. Người ta sẽ từ từ quỳ gối khi thán phục, tôn trọng trước người đối diện. Đúng như nhà văn Pháp V.Huy gô có nói

“Trên đời này chỉ có một điều mà người ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và cũng chỉ có một điều khiến người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”

Bởi vậy, toàn thể nhân dân Việt Nam luôn cúi đầu thành kính trước tài năng, tấm lòng yêu thương của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Những câu chuyện kể về Bác ngày hôm qua vẫn luôn là những bài học vô giá cho thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Tất cả chúng ta ngồi đây chắc đã từng nghe câu chuyện cảm động về chuyến đến thăm của Bác tới trại trẻ mồ côi mang tên Kim Đồng. Đặt chân đến trại trẻ điều khiến Bác buồn, bận tâm chính là những hàng rào dây thép gai xung quanh; là nếp sống gò bó, khuôn phép quá mức khiến nhiều cháu trốn trại. Điều quan trọng mà Bác muốn các đồng chí cán bộ mang đến cho các em là tình yêu thương để trại Kim Đồng trở thành ngôi nhà chung khiến các em không nỡ rời xa.

Một câu chuyện nhỏ về Bác cũng đủ khiến chúng ta lặng người đi vì xúc động. Chúng ta học tập tấm gương đạo đức của Bác chính là học cách sống – cách yêu thương để khẩu hiệu “Sống – lao động – học tập theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” không phải là khuôn sáo.

Nhà thơ Tố Hữu từng nói:

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau”

Ngày hôm nay khi nhịp sống trở nên sôi động, con người bị cuốn vào vòng xoáy của cơm áo – gạo tiền nên không tránh khỏi những phút ích kỉ, vô tâm. Liệu có còn những tấm lòng cao cả, những hành động yêu thương ân cần như chủ tịch Hồ Chí Minh? Tôi tin chắc rằng vẫn còn nhiều lắm những nghĩa cử cao đẹp! Chúng ta ấm lòng khi biết giữa Sài Gòn hoa lệ nhộn nhịp vẫn có quán cơm Nụ cười – 2000 đồng giúp đỡ người lao động nghèo, học sinh – sinh viên khó khăn; chúng ta xót xa trước miền Trung bão lũ để cùng chung tay hướng về miền Trung yêu thương…. Và cảm động, trân trọng biết bao trước tấm gương của học sinh Nguyễn Văn Nam (Nghệ An) hi sinh thân mình khi cứu 4 em nhỏ… và còn nhiều, nhiều lắm những câu chuyện như thế!

Đã có người cho rằng: câu chuyện về Bác là câu chuyện của ngày hôm qua. Cuộc sống đã thay đổi, thân mình còn không lo nổi huống chi… Ở đây, tôi nghĩ rằng: tình yêu thương chân chính sẽ vượt qua mọi ranh giới không gian – thời gian; xóa nhòa mọi khoảng cách về giai cấp, tầng lớp.

Và có lẽ cũng chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt Nam cần học tập lối sống yêu thương như ngày hôm nay. Chúng ta đã rất ngạc nhiên khi trên mạng xuất hiện những clip bạo lực học đường với đám đông xung quanh xúm xít cổ vũ, quay phim. Chao ôi! Nếu không chỉnh sửa ngay thì thế hệ trẻ sẽ thế nào đây? Các bạn học sinh sẽ có hành trang gì về đạo đức để bước vào cuộc đời?

Từ ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe những ca từ giản dị mà sâu lắng trong ca khúc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và giờ đây những ca từ ấy vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi:

 “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi…”

Vâng! Gió cuốn đi mang theo tấm lòng nhân ái yêu thương của chúng ta đến với mỗi cuộc đời, con người! Cuộc sống yêu thương này sẽ do chính chúng ta tạo dựng nên! Nếu như nhà thơ Hữu Thỉnh từng băn khoăn tự hỏi về lẽ sống của con người

“Tôi hỏi đất: đất sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi tôn cao nhau

Tôi hỏi nước: nước sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau như thế nào?

Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời

Tôi hỏi người: Người sống với nhau như thế nào?”

Thì hành động sống của tôi, của các bạn, của tất cả chúng ta hôm nay và  mai sau chính là câu trả lời cho câu hỏi đó! Hãy học cách sống yêu thương khi chưa quá muộn!

Thu 2013

Lunar

Tuyển sinh trường PTLC Đào Duy Từ năm học 2021-2022