(ĐDT) – Đáp án tuần 2
Người trả lời nhanh nhất và đúng nhất câu hỏi tuần 2 là bạn Vũ Anh Nhi – học sinh khối 10. Bạn sẽ nhận được một phần quà của Ban biên tập. Sau đây là đáp án tuần 2 (giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nợ như chúa Chổm”)
– Chúa Chổm: Một nhân vật truyền thuyết thời Lê. Chúa Chổm con một bà bán rượu ở làng Lỗ, nay thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Khi còn hàn vi, chúa Chổm nợ nần rất nhiều.
– Thành ngữ “Nợ như chúa Chổm” chỉ những kẻ nợ quá nhiều, ăn toàn phá hoại, vung tay quá trán.
– Nguồn gốc của thành ngữ: Xuất phát từ chuyện kể dân gian sau:
Vào năm 1552 Mặc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Vua Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung bắt giam vào ngục tối.
Hồi ấy, ở gần trại giam có cô hàng rượu hằng ngày đem rượu đến bán cho quân canh ngục. Một hôm, thấy có một phạm nhân mới mặt mũi khôi ngô bị giam riêng. Khi biết đây là vua, cô nàng mới rót rượu mời vua. Dần dần giữa hai người có mối tình nhen nhóm. Một hôm cô nàng cất một mẻ rượu rất ngon pha thuốc mê chuốc cho quân canh uống. Khi thấy họ đã say gục cả, nàng bèn vào tự tình với vua.
Sau đó, cô hàng rượu có thai. Nhà vua biết mình không thể thoát khỏi tay nhà Mạc, bèn giao ấn lại cho nàng và nói: “Nàng giữ vật này làm dấu tích. Nếu sau này đẻ con trai nó sẽ phục thù cho cha”.
Không bao lâu sau, vua bị nhà Mạc giết chết.
Cô hàng rượu sợ hãi trốn đi rất xa. Đủ ngày đủ tháng đẻ ra người con trai, nàng đặt tên con là Chổm. Chổm lớn dần được mẹ đưa vào chùa ở với sư cụ Thạch Toàn học kinh kệ.
Chổm tính khí nghịch ngợm làm nhiều lần sư cụ quở trách. Chổm cũng là người giỏi võ, đánh chết hổ và trừ mãng xà yêu quái làm hại dân.
Rồi dần dà hai mẹ con Chổm thấy yên hàn bèn trở về chốn cũ làm ăn sinh sống. Những lúc đói bụng, chàng thường vào ăn cơm hay mua thức ăn ở các quán tại cửa ô. Hàng nào được Chổm mua là hàng đó bán chạy. Người ta cho rằng Chổm nhẹ vía nên ai cũng muốn mời Chổm mua hàng, kể cả bán chịu cũng vui lòng. Chổm được thể ngày nào cũng đánh chén, tiêu pha bạt mạng. Toàn ăn chịu, ai hỏi nợ, Chổm cũng bảo: “Đến ngày tôi làm nên sẽ hoàn trả chu tất”
Nguyễn Kim là một ông quan của nhà Lê thất thế trốn sang tận Ai Lao, được thần báo mộng liền lần tìm gặp Chổm để lo phục thù. Sau khi biết chắc là con vua Lê qua ấn tín của cha để lại, Nguyễn Kim bèn mời Chổm về Sầm Châu, dựng cờ phù Lê. Thanh thế nhà Lê ngày càng lớn. Nhà Mạc sai mười sáu vạn binh đến đánh nhưng không thắng bèn rút quân. Quân của Chổm được thế tiến thẳng ra Bắc. Quân Chổm đi đến đâu nhà Mạc chạy dài đến đó. Cuối cùng, Chổm trở thành một vị chúa uy thế lẫy lừng. Đến ngày khải hoàn, lúc trở về kinh thành, khi quân gia đang trên đường tiến vào cửa ô bỗng có một số người chủ hang cơm ngày xưa bán chịu cho Chổm, từ đâu kéo ra chào người quen và đòi nợ cũ. Thấy thế, bọn lính tiền đạo toan bắt tội vô lễ. Những chúa Chổm ngăn lại rồi kể chuyện ăn chịu ngày còn hàn vi. Đoạn bảo quân hầu lấy tiền ra trả cho họ. Lúc đó, nhiều người thấy kẻ kia đòi được nợ cũng xúm lại kể ơn nghĩa. Kẻ thì đòi năm quan, người kể thành mười. Cứ thể biến thành cuộc truy nợ đông như đám hội. Bọn quan quân đếm tiền không xuể vì con số chủ nợ mỗi ngày một tăng. Bọn họ bèn nghĩ ra một kế đứng trên kiệu vung tiền xuống cho mọi người nhặt được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
Quan quân nghênh kiệu đến vườn hoa cửa Nam bấy giờ thì một viên tướng mới nghĩ chúa mình lên ngôi tôn quý mà khách nợ cứ reo hò đòi nợ mãi như thế này thì còn ra thể thống gì nữa, mới viết vào tờ giấy hai chữ “cấm chỉ” dán ở giữa phố rồi sai một toán quân ngăn lại, ai còn chạy theo đòi nợ nữa thì chém đầu. Nhờ thế con nợ mới thôi không dám đuổi theo Chổm để đòi nợ.
Bởi vậy ngày nay còn có câu ca dao:
“Vua Ngô ba sáu tấn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô”
(Theo truyện ‘Chúa Chổm” – Điển hay, tích lạ”, Nguyễn Tử Quang, NXB Trẻ, 2001)
Câu hỏi tuần 3: Tại sao lại có câu “Hoa quỳnh chỉ nở một lần?”
Các bạn học sinh hãy nhanh chóng gửi câu trả lời về hòm thư của Ban biên tập theo địa chỉ sau: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. để nhận được một phần quà ý nghĩa!